Những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày 

Hiện nay, tại nước ta ung thư dạ dày đang là vấn đề sức khỏe quan trọng. Đứng hàng thứ ba trong mười loại bệnh ung thư thường gặp của cả hai giới. Điều không may là 80% bệnh nhân được chẩn đoán lại ở vào giai đoạn muộn và ngay khi được phát hiện sớm thì cũng có đến 30% bệnh nhân sẽ bị tái phát sau khi điều trị triệt để. Do vậy, việc phòng tránh các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày thật sự đáng được quan tâm.

Bệnh ung thư dạ dày có thể gặp nhiều hay ít còn tùy thuộc vào chủng tộc, vùng miền địa lý cũng như tình trạng kinh tế - xã hội của mỗi nước. Những năm đầu của thế kỷ 20, vị trí ung thư dạ dày thường xảy ra ở phần thấp của dạ dày, tức là vùng hang vị và môn vị. Nhưng hiện nay thì người ta thấy ung thư ở phần trên cao của dạ dày (tâm vị, đáy vị và nhất là chỗ nối tiếp giữa thực quản và dạ dày) lại có tần suất bị mắc bệnh nhiều hơn. Sở dĩ có sự thay đổi như vậy là chính do những tác động từ việc phơi nhiễm bởi các yếu tố nguy cơ khác nhau.

Chế độ ăn: trong thức ăn chứa nhiều muối nitrát như thịt muối, cá muối nhằm mục đích bảo quản và sử dụng lâu dài và cả các loại dưa cải muối. Thói quen ăn thực phẩm chiên xào, thịt cá đã chế biến kết hợp bia rượu, nhưng lại ít ăn rau tươi, trái cây, sữa hay thiếu cung cấp nguồn sinh tố (sinh tố A chẳng hạn), sẽ dẫn đến nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Tiêu thụ 30g thịt đã chế biến một ngày thì có nguy cơ cao 1,15 lần.

Tình trạng kinh tế xã hội: cũng cho thấy có liên quan đến ung thư dạ dày. Những người mà mức thu nhập thấp có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần và thường bị ung thư ở đoạn cuối của dạ dày. Ngược lại, những người có thu nhập cao dễ bị ung thư ở phần trên dạ dày. Tiên lượng của bệnh nhân bị ung thư phần trên dạ dày thì xấu hơn. Một nghiên cứu cho thấy tình trạng béo phì cũng liên quan đến ung thư dạ dày, chỉ số BMI ≥ 25 là có nguy cơ cao, càng béo phì thì nguy cơ càng cao.

Hút thuốc lá: có những công trình nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 1,5-1,6 lần ở nam giới. Nguy cơ này sẽ giảm đi sau ngưng hút thuốc 10 năm. Có 18% bệnh nhân ung thư dạ dày có liên quan đến hút thuốc lá. Người ta thấy những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá kết hợp với việc ăn những thực phẩm như thịt cá muối, xông khói, thực phẩm không được bảo quản tốt, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh,… sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Ảnh: wordpress.com

Tiền sử cắt dạ dày: các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa sự phát triển ung thư dạ dày với việc cắt một phần dạ dày trước đó vì bệnh lành tính, trung bình là sau 15 – 20 năm. Lưu ý, đây không phải là tái phát do ung thư, mà bệnh nhân bị cắt dạ dày có thể do viêm loét, hay thủng dạ dày sau tai biến lạm dụng các thuốc corticoid chẳng hạn.

Do vi-rút: Epstein-Barr virus (EBV) đặc biệt là có liên quan đến ung thư vùng hầu họng, tuy nhiên nó cũng có mối liên quan đến ung thư dạ dày. Khoảng 5- 10% trường hợp ung thư dạ dày có liên quan đến EBV trên phạm vi toàn thế giới. Riêng tại Hàn Quốc, qua một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ này lên đến 13,5%. Đây là dạng ung thư dạ dày liên quan đến yếu tố tuổi trẻ và vị trí thường gặp là ở vùng tâm vị (phần trên dạ dày).

Nhiễm Helicobacter pylori (Hp): Tổ Chức Y Tế Thế Giới xếp H pylori là yếu tố sinh ung nhóm 1, nó làm tổn thương niêm mạc dạ dày, rồi dẫn đến hàng loạt những biến đổi như viêm dạ dày mạn tính thể teo, dẫn đến tình trạng chuyển sản, loạn sản và cuối cùng là giai đoạn ung thư xâm lấn. Có sự liên quan rõ ràng giữa tình trạng phơi nhiễm H pylori và việc tiêu thụ các loại thực phẩm muối trong tác động hiệp đồng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Có tính di truyền không? Người ta chỉ quan sát thấy hiện tượng có nhiều người trong gia đình mắc ung thư dạ dày, gợi ý sự tồn tại khả năng dễ bị ung thư dạ dày do di truyền. Ước tính khả năng mắc ung thư dạ dày trong gia đình từ 1-15%.

Tình trạng nhiễm vi khuẩn H pylori và các loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều muối đã được khuyến cáo là những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày. Do đó, phòng tránh các tác nhân gây bệnh sẽ góp phần làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và đồng thời cũng làm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

TS. BS. Bùi Chí Viết (Trưởng Khoa ngoại 2- Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh)

(theo t4ghcm.org.vn)

1222 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập