Giảm nguy cơ ung thư nhờ những thói quen lành mạnh 

Ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa (di căn). Hiện có khoảng 200 loại ung thư.

Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư đang gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau: cường độ lao động cao, ô nhiễm môi trường, chế độ ăn uống thiếu khoa học…Theo báo cáo về tỷ lệ mắc bệnh ung thư và tử vong trên toàn thế giới do Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC) phát hành năm 2015 thì dù không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng ung thư đang phát triển nhanh như dịch bệnh. Chúng ta có thể làm gì để giảm nguy cơ mắc ung thư:

1. Tránh xa thuốc lá dưới mọi hình thức

Trong một điếu thuốc lá chứa xấp xỉ 600 thành phần. Khi điếu thuốc được đốt lên, tạo ra hơn 7.000 hóa chất, trong đó ít nhất 69 hóa chất được xác nhận là nguyên nhân gây nên ung thư và nhiều hóa chất khác là siêu độc tố.

Đó là Aceton là chất tẩy trong thuốc sơn móng tay, Amoniac là chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh, DDT/Dieldrin là thuốc trừ sâu, Arsenic là chất được sử dụng trong thuốc diệt chuột, hay như Methanol formaldehyde chất để ướp xác chết… Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thần kinh, mạch máu và nội tiết, gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.

 

(ảnh minh họa)

Một số chất độc kinh hoàng có trong khói thuốc được các nhà khoa học chỉ ra: Nicotine là một chất gây nghiện có trong thuốc lá, được xếp vào nhóm các chất có tính chất dược lý gây nghiện chủ yếu, tương tự như các chất ma túy Heroin và Cocain. Hắc ín (Tar) - nhựa thuốc lá là sự tập hợp tên của hàng ngàn chất hóa học và phụ gia được tạo thành chất lắng lại của khói thuốc, có đặc điểm dính và nhầy. Nhựa thuốc lá là một trong những sản phẩm phụ nguy hiểm nhất của khói thuốc lá, chứa rất nhiều chất gây ung thư. Carbon monoxide trong khói thuốc lá hấp thụ vào máu gắn với hemoglobin làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, vì vậy làm giảm lượng oxy trong máu. Benzene là một chất gây ung thư được tìm thấy trong khói của dầu khí hay trong thuốc trừ sâu bọ. Nitrosamines là một chất gây ung thư rất mạnh có nhiều trong thuốc lá không khói và khói thuốc lá.

Ngoài ra, còn Ammonia là chất được sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng và trong các sản phẩm tẩy rửa. Formaldehyde là dung dịch dùng trong ướp xác chết. Hydrogen Cyanide là chất ô nhiễm công nghiệp. Polycyclic aromatic hydrocarbon (PAH) là một chất gây ung thư được tìm thấy trong dầu diezen và các sản phẩm đốt cháy khác, cũng có nhiều trong thuốc lá…….

Trong khi hút thuốc lá có thể gây ung thư ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Thậm chí, hít phải khói thuốc cũng là yếu tố nguy cơ lớn gây ung thư. Vì vậy, nên tránh xa thuốc lá dưới mọi hình thức.

2.Có chế độ ăn uống, vận động khoa học.

Hoa quả và rau củ giàu các chất dinh dưỡng và chất xơ có lợi cho cơ thể. Trước tiên, chất xơ tan tạo cảm giác no lâu (phòng chống được béo phì), phòng tiêu chảy và các rối loạn đường tiêu hóa do loạn khuẩn, đồng thời góp phần làm giảm cholesterol trong máu. Chất xơ tan còn là thức ăn cho các vi khuẩn có lợi ở đường ruột, gắn kết với các acid mật trong ruột làm giảm nhũ tương hóa chất béo của thức ăn (làm dễ tiêu), thẩm thấu, nối kết với các cholesterol và thải trừ chúng ra khỏi cơ thể.

Chất xơ không tan giúp hạn chế sự tăng đường máu sau khi ăn ở bệnh nhân đái tháo đường, phòng chống tăng cholesterol trong máu và phòng chống ung thư trực tràng. Khi vào đường ruột, chất xơ không tan giúp tạo khối phân, kích thích trực tràng hoạt động nhẹ nhàng, chống táo bón. Cũng giống như chất xơ tan, chất xơ không tan cũng góp phần giữ nước khối thực phẩm khi di chuyển, tăng khả năng lên men của vi khuẩn ở ruột già, đồng thời ngăn cản sự hấp thu các độc chất có trong thức ăn…

 

(Ảnh minh họa)

Tiêu thụ lượng hoa quả và chất xơ thích hợp có thể giảm khả năng phát triển ung thư ruột. Lượng chất xơ mỗi người nên tiêu thụ mỗi ngày trung bình 25 – 30g.

Ngoài ra, chế độ vận động cũng có những ảnh hưởng đáng kể trong việc giảm nguy cơ mắc ung thư. Trong quá khứ, lời khuyên thông thường cho người bệnh ung thư là nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt và giảm vận động. Trong một số trường hợp nhất định như chuyển động có thể gây đau đớn, thì nghỉ ngơi là điều nên làm. Tuy nhiên, các bằng chứng đã được nghiên cứu qua nhiều năm cho thấy chất lượng cuộc sống được nâng cao khi áp dụng các hoạt động thể chất vào quá trình điều trị.

Các chuyên gia khuyên rằng người bệnh nên dành 30 phút mỗi ngày, năm ngày một tuần, với các bài tập thể dục phù hợp trong liệu trình điều trị.

Ngày nay, các bác sỹ luôn khuyên các bệnh nhân nên vận động khi điều này dường như đem lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Hãy trao đổi với bác sỹ để lựa chọn chế độ tập luyện phù hợp nhất cho bạn.

3. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn

Trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng báo phì, ung thư... là việc hấp thụ các loại thực phẩm đã qua chế biến.

 

(Ảnh minh họa)

 

Thực phẩm qua chế biến có hàm lượng natri rất cao, giúp cơ thể sản sinh tế bào miễn dịch T. Loại tế bào này có khả năng tạo ra các phản ứng giúp cơ thể chống lại các nguy cơ mắc bệnh, nhưng lại là nguyên nhân gây ra một số chứng rối loạn khả năng miễn dịch, dẫn đến các bệnh đa xơ cứng, thấp khớp, viêm khớp, eczema, hen suyễn và các bệnh tự miễn dịch khác.

Thực phẩm đã qua chế biến không có nhiều chất xơ, làm tăng cảm giác thèm ăn và thậm chí có thể khiến bạn ăn quá nhiều. Loại thực phẩm này có thể gây ra tình trạng kháng insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp, bệnh tim và thậm chí cả ung thư.

4. Duy trì cân nặng hợp lý

Chỉ số BMI là chỉ số quan trọng về cân nặng và tốt nhất là nên theo dõi chặt chẽ chỉ số này. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng đáng kể. Béo phì có thể làm tăng tỉ lệ mắc các bệnh ung thư ở các vùng như cuống họng, tụy, đại trực tràng, nội mạc tử cung, vùng ngực sau mãn kinh, thận, túi mật. Bên cạnh đó, béo phì cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư máu ác tính. Béo phì thường làm tăng lượng insulin và yếu tố tăng trưởng một giống insulin, từ đó tăng nguy cơ phát triển khối u.

BMI của một người được tính bằng cân nặng (kilogram) chia cho bình phương chiều cao của người đó (mét). Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới, một người được gọi là thừa cân khi có chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 25. Nếu BMI từ 30 trở lên thì được gọi là béo phì.

Trong khi một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng phụ nữ có chỉ số BMI từ 27 – 28 trở lên có nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh tăng từ 10 % đến 60 %, một số nghiên cứu khác lại không tìm thấy mối liên hệ này. Để phòng ngừa ung thư liên quan đến béo phì, một trong những yếu tố quan trọng nhất là giữ được trọng lượng cơ thể hợp lý trong suốt cuộc đời thông qua các hoạt động thể chất một cách thường xuyên. Bên cạnh đó, việc hạn chế uống rượu và ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc từ động vật cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ ung thư do béo phì.

5. Tiêm phòng

Một số loại ung thư có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Tiêm vắc xin viêm gan B làm giảm tỷ lệ mắc bệnh gan mãn tính và ung thư gan. 

 

(Ảnh minh họa)

 

Nhiễm virut u nhú ở người có liên quan trực tiếp đến sự phát triển ung thư cổ tử cung và ung thư vùng đầu, cổ ở nam giới. Vì vậy, hãy tư vấn bác sỹ để nhận được lời khuyên hợp lý.

6. Quan hệ tình dục an toàn

Bạn có thể bị nhiễm những loại ung thư nhất định từ những hoạt động tình dục không an toàn. Bạn có thể bị nhiễm HIV hay viêm gan C vốn có thể gây ra các loại ung thư khác. Vì vậy, hãy thực hành quan hệ tình dục an toàn để giảm nguy cơ mắc ung thư.

7. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện các vấn đề bất thường về sức khỏe nếu có trước khi chuyển thành bệnh hoặc phát hiện bệnh ở vào giai đoạn sớm khi chưa có biểu hiện ra bên ngoài để điều trị hiệu quả hơn, khả năng lành bệnh cao hơn, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và tránh được các biến chứng do bệnh gây ra, kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra khám sức khỏe định kỳ đều đặn giúp chúng ta có những điều chỉnh hợp lý hơn về chế độ dinh dưỡng, chế độ làm việc, điều chỉnh lối sống nhằm nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Mỗi người chúng ta nên biết cách hạn chế các nguy cơ gây ung thư bằng cách kiểm soát chế độ ăn, cân nặng và vận động.

Lê Lan

 

1113 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập