Bệnh tăng huyết áp: Cách điều trị và phòng bệnh 

Tăng huyết áp (THA) gây ra một số biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch máu não.... Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; ước tính mỗi năm toàn cầu có khoảng 17 triệu ca tử vong do các bệnh tim mạch, trong đó 9,4 triệu ca là do biến chứng của tăng huyết áp.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp,  tức là cứ trong 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc. Các bệnh tim mạch liên quan đến huyết áp đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 33% tổng số ca tử vong trên toàn quốc. Theo điều tra, trong 12 triệu người mắc tăng huyết áp hiện nay thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị.Tăng huyết áp có nguyên nhân từ các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. Tuy nhiên, hầu hết người bị tăng huyết áp không có biểu hiện triệu chứng nào và thậm chí họ còn không biết mình bị bệnh. Vì vậy tăng huyết áp được gọi là “Kẻ giết người thầm lặng”. Vì THA đang trở thành một vấn đề thời sự vì sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh này trong cộng đồng.  Ngày 17/5 được Hiệp hội Tăng huyết áp thế giới chọn là “Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp” hàng năm; nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống tăng huyết áp. Để hưởng ứng ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp năm 2018, Cục Y tế dự  phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh chỉ đạo các đơn tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để dự phòng tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, tập trung vào chủ đề bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, giảm ăn muối, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia và tăng cường vận động thể lực. Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm tăng huyết áp. Cùng với đó khuyến cáo tới người dân: Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất và quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp; hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình. Tổ chức đo huyết áp cho ngưởi dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, tăng cường công tác phát hiện sớm, dự phòng cho người nguy cơ cao và quản lý điều trị cho người mắc tăng huyết áp và bệnh tim mạch, đồng thời tư vấn, hướng dẫn để người bệnh biết tuân thủ điều trị và chăm sóc tại nhà. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình luôn bố trí 3 phòng khám tim mạch hoạt động hết công suất với số lượng hơn 3000 bệnh nhân trong tháng đến khám và điều trị ngoại trú các bệnh về tim mạch, trong đó bệnh nhân cao huyết áp chiếm tỷ lệ đáng kể. Từ đầu năm 2016, bệnh viện đã tổ chức chương trình khám và quản lý người bệnh tăng huyết áp; hiện tại có hơn 1000 bệnh nhân đang được quản lý trong chương trình. Với mục đích nâng cao nhận thức đúng của nhân dân về bệnh THA và các yếu tố nguy cơ; tăng cường năng lực của nhân viên y tế trong công tác dự phòng, sàng lọc,  phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh THA theo phác đồ do Bộ Y tế quy định cho người bệnh. Để kiểm soát, phòng tránh và điều trị bệnh tăng huyết áp; cần chú ý:

  1. Nguyên nhân gây bệnh: bao gồm (bệnh thận mãn tính, hẹp động mạch chủ bẩm sinh, bệnh này có thể gây ra cao huyết áp ở cánh tay, u hoặc những bệnh khác về tuyến thượng thận, sử dụng thuốc ngừa thai, bệnh của tuyến giáp, có thai, nghiện rượu…)

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác gây tăng huyết áp là: tiền sử gia đình, tuổi tác, giới tính thừa cân béo phì, lười tập thể dục, dinh dưỡng thiếu hợp lý,  do tình trạng kinh tế xã hội…

  1. Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp: hoa mắt chóng mặt, đau đầu dữ dội, mệt mỏi, đau ngực, nôn ói, tiểu máu, có vấn đề về thị giác, các vấn đề về hô hấp…

3.Phòng ngừa và điều trị bệnh tăng huyết áp: - Những người nghiện thuốc nên bỏ hẳn thuốc lá; kiêng uống rượu, bia, thuốc là, chè, café, những chất kích thích. - Có chế độ ăn uống khoa học: ăn đủ lượng kali, nhiều cá, ít thịt; bổ sung vào thực đơn những loại thức ăn nhiều tinh bột và chất xơ: Trái cây, rau quả, ngũ cốc còn nguyên vỏ, mì và đậu. Nên giảm bớt muối, bơ, thịt mỡ hoặc thịt đỏ, da của gia cầm, sữa, pho mát, thức ăn chiên, kem, bánh ngọt, bánh nướng và snack trong khẩu phần ăn hằng ngày. - Kiểm soát cân nặng, để giảm nguy cơ béo phì, có thể tác động đến việc huyết áp tăng cao. - Tăng cường rèn luyện thể lực mỗi ngày, tập những môn thể thao nhẹ nhàng: Đi bộ, bơi, bóng bàn, cầu lông, khí công dưỡng sinh, Yoga… -Luôn giữ tinh thần thoải mái, thư giãn mỗi khi áp lực công việc quá nặng nề; giảm stress. Duy trì sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ giấc. - Cần chủ động kiểm tra huyết áp thường xuyên không đợi đến lúc có triệu chứng cơ năng mới đo huyết áp. Nếu biết bệnh, phòng ngừa điều trị tốt thì giảm các biến cố tim mạch. Nhất là với gia đình có tiền sử cao huyết áp, con cái cũng cần chú ý, kiểm tra huyết áp từ sớm theo định kỳ. - Khi bị bệnh cần thực hiện tốt chỉ định của thầy thuốc; uống thuốc đều, lâu dài ngay cả khi không có triệu chứng và con số huyết áp được hạ xuống mức bình thường. Tuyệt đối không tự động bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác hoặc dùng đơn thuốc của bệnh nhân khác để điều trị cho mình.

Lan Hương

 

1311 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập