Hen phế quản 

Hen phế quản là một bệnh viêm đường hô hấp mạn tính, không lây lan từ người này sang người khác. Bệnh liên quan đến cơ địa của bệnh nhân cũng như có tính chất di truyền; được khởi phát bởi các yếu tố kích thích (thường là tác nhân dị ứng). Việc kiểm soát hen tốt sẽ giúp bệnh nhân giảm cơn hen phế quản góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống...

Hen phế quản là một bệnh lý đường hô hấp được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tính đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế đường thở làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở và ho tái diễn nhiều lần thường xảy ra vào ban đêm và sáng sớm. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, phế quản của người bệnh vốn rất nhạy cảm sẽ phản ứng một cách dữ dội, biểu hiện bởi các triệu chứng như khó thở, khò khè, nặng ngực và ho. Tùy vào mức độ kích thích các tiểu phế quản và tùy vào cơ địa của từng bệnh nhân mà cơn hen phế quản biểu hiện ở mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Hen phế quản là một bệnh viêm đường hô hấp mạn tính, không lây lan từ người này sang người khác. Bệnh liên quan đến cơ địa của bệnh nhân cũng như có tính chất di truyền; được khởi phát bởi các yếu tố kích thích (thường là tác nhân dị ứng). Việc kiểm soát hen tốt sẽ giúp bệnh nhân giảm cơn hen phế quản góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ảnh nguồn internet

Dưới đây là một số lưu ý về bệnh hen phế quản:

- Bệnh hen phế quản có thể tái đi tái lại nhiều lần đặc biệt là khi thời tiết giao mùa, nhưng triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát bởi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

- Có rất nhiều tác nhân khởi phát cơn hen phế quản, một số nguyên nhân thường gặp nhất:

+ Dị nguyên đường hô hấp: thường là bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá, các con bọ sống trong chăn nệm,… Cũng có thể là những chất trong công nghiệp như: bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn,…

+ Dị nguyên thực phẩm: các loại hải sản (tôm, cua, cá, sò,… ), trứng, thịt gà, lạc.

+ Thuốc: Một số loại thuốc cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen, như aspirin, penicillin.

+ Tác nhân nhiễm khuẩn:

+ Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amiđan,… là một trong những nguyên nhân gây ra cơn hen ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng.

+ Di truyền: Trong gia đình có người bị hen phế quản.

+ Yếu tố tâm lý: tình trạng lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý.

+ Những người có cơ địa dị ứng hay tiền sử gia đình có người mắc hen phế quản là đối tượng nguy cơ của bệnh.

+ Đối với những bệnh nhân đã được chẩn đoán hen phế quản, việc tiếp xúc với các tác nhân kích thích có thể dẫn đến việc khởi phát cơn hen cấp.

- Về triệu chứng của hen phế quản: Cơn hen phế quản thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây khởi phát, bệnh nhân khó thở nhiều khi thở ra, phải ngồi dậy để thở. Có thể nghe thấy tiếng thở rít hay khò khè. Ngoài ra, bệnh nhân có thể ho, khạc đờm kèm theo. Đôi khi thấy hình ảnh lồng ngực biến dạng.

- Phòng ngừa hen phế quản:

+ Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như tránh khói thuốc lá, bụi nhà, lông động vật, phấn hoa,…. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giải quyết tình trạng ẩm mốc trong nhà.

+ Bệnh nhân dị ứng với loại thực phẩm nào thì cần tránh ăn uống loại thực phẩm đó.

+ Phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp.

+ Tránh lo âu, căng thẳng quá mức.

- Bệnh hen phế quản khó có thể khỏi hoàn toàn; tuy nhiên, nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị thì hen có thể được kiểm soát. Việc phối hợp giữa biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc là cần thiết để có thể ngăn chặn được những cơn hen phế quản cấp.

+ Dùng thuốc kiểm soát hen phế quản dài hạn: Coticosteroid dạng hít, thuốc kích thích beta tác dụng kéo dài, thuốc đường hít kết hợp, Leukotrien, Theophylin,... Đây là biện pháp chính trong điều trị hen phế quản, giúp kiểm soát hen hàng ngày và hạn chế xuất hiện cơn hen cấp.

+ Dùng thuốc cắt cơn tác dụng nhanh: có thể sử dụng thuốc kích thích beta tác dụng ngắn, Coticosteroid đường uống/tiêm tĩnh mạch hoặc Ipratropium,… để cải thiện các triệu chứng của cơn hen phế quản cấp ngay lập tức.

+ Điều trị dị ứng có thể được đặt ra ở bệnh nhân hen phế quản dị ứng.

- Lối sống: Tập thể dục đều đặn, vừa phải, Ăn uống hợp lý, bổ sung trái cây và rau xanh. Phòng tránh các yếu tố dễ gây khởi phát cơn hen như: tránh tiếp xúc khói bụi, thường xuyên vệ sinh nhà ở sạch sẽ, …

- Sự lựa chọn phương pháp điều trị cụ thể tùy thuộc vào tuổi, triệu chứng, yếu tố khởi phát và các yếu tố kiểm soát bệnh. Bệnh nhân cần được theo dõi và tái khám, để bác sĩ có thể đánh giá mức độ kiểm soát hen trên bệnh nhân, từ đó có những điều chỉnh phù hợp về kế hoạch điều trị trong thời gian tiếp theo.

Phạm Thị Định (K.Khám bệnh)

1172 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập