Coi chừng trẻ bị co giật vì thuốc cảm cúm 

10 phút sau khi được mẹ cho uống thuốc cảm cúm, đứa trẻ lên con co giật, co quắp chân tay, người lạnh toát, khó thở.

BS Nguyễn Thúy Lan, BV Nhi TƯ,  cho biết cảm cúm là bệnh của đường hô hấp do vi rút gây ra, tác động tới niêm mạc miệng, mũi, họng và phổi. Các triệu chứng chủ yếu là hắt hơi, ngạt mũi, nhức đầu, sốt. Chính vì bệnh có tần suất xuất hiện thường xuyên, nhiều người mắc nên dẫn đến tâm lý đây là bệnh đơn giản, hoàn tòa có thể tự chữa.

Nhập viện cấp cứu

Theo BS Lan, các trường hợp cấp cứu trẻ bị ngộ độc thuốc cảm cúm không phải là chuyện hiếm ở BV Nhi. Có trường hợp bố mẹ khi thấy con sổ mũi, sốt đã tự mua thuốc cảm cúm về cho con uống. Sau khi uống 10 phút, trẻ lên con co giật, co quắp chân tay, người lạnh toát, khó thở. Cấp cứu tại BV các BS mới biết, bố mẹ đã cho trẻ uống tới 3 loại thuốc cảm cúm, thành phần gần như nhau nhưng chỉ khác tên gọi, quá liều khiến trẻ bị hạ nhiệt độ đột ngột, sốc.

Trước đó, đầu tháng 7, BV Chợ Rẫy (TP HCM) cũng cấp cứu bệnh nhân T.V.P., 15 tuổi, học sinh một trường THPT tại Đồng Tháp, bị sốc phản vệ do dị ứng thuốc và sốt siêu vi. Theo lời người nhà, khi thấy P. bị sốt cao, ớn lạnh, đau họng, sổ mũi, đã ra hiệu thuốc mua thuốc cảm cúm (không nhớ rõ tên thuốc) về cho P. uống. Mới uống được 2 liều, P. bị khó thở, mặt phù to, tím tái hết người và phải tức tốc đi cấp cứu ngay.

Trường hợp gần đây nhất là bệnh nhân Nguyễn Văn N., 58 tuổi, được đưa vào BV E Trung ương vì đột ngột mất ý thức. TS Vũ Đức Định cho biết khám thấy bệnh nhân có dấu hiệu liệt nửa người trái, huyết áp 220/130 mmHg. Kết quả chụp cắt lớp sọ não cho thấy có ổ xuất huyết lớn vùng bao trong, bán cầu đại não bên phải. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm, hiện vẫn đang uống thuốc hạ huyết áp đều đặn hàng ngày. Theo lời người nhà bệnh nhân, 2 ngày trước, bệnh nhân bị sốt, chảy nước mũi, tự mua thuốc điều trị cảm cúm uống với liều cao hơn bình thường để mong chóng khỏi bệnh và hậu quả là phải vào viện cấp cứu.

Không được lạm dụng

Các thuốc chữa cảm cúm với nhiều biệt dược đang được lưu hành trên thị trường như decolgen, rhumenol, medicoldac, decolsin… đều có các thành phần acetaminophen (paracetamol) có tác dụng hạ sốt, giảm đau; chlorpheniramin có tác dụng chống dị ứng, làm giảm cảm giác ngứa ở mũi và giảm hắt hơi; dextromethorphan làm loãng đờm, giảm ho. Sự phối hợp các thành phần nói trên trong viên thuốc làm giảm nhanh các triệu chứng của cảm cúm như sốt, đau đầu, ngứa và hắt hơi, đặc biệt là giảm nhanh triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi khiến bệnh nhân cảm thấy rất dễ chịu sau khi uống thuốc. Tuy nhiên, theo thống kê tại BV Bạch Mai, tỷ lệ ngộ độc paracetamol đứng thứ 2 (chiếm 12,2%) sau ngộ độc thực phẩm. Một số thuốc có paracetamol phối hợp với các chất kháng histamin chống dị ứng thường có nhiều tên biệt dược khác nhau khiến người dùng nhầm lẫn phối hợp dẫn đến quá liều.

Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo không cho trẻ em dưới 6 tuổi dùng thuốc ho và cảm chứa thuốc kháng histamin. Cần tham khảo bác sĩ khi có vấn đề về dùng thuốc cho trẻ nhỏ. Trong nhiều trường hợp, bệnh ho, cảm tự biến mất trong vài ngày mà không cần dùng bất cứ một loại thuốc nào. Nếu trẻ chỉ ho và hơi sốt nhẹ, cha mẹ nên theo dõi, tránh gió để tránh trẻ bị cảm lạnh. Đối với người lớn, không tự ý mua thuốc cảm cúm để điều trị, cần tới gặp BS và thông báo với thầy thuốc nếu có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiền sử nhạy cảm với thuốc. Đặc biệt không dùng thuốc quá liều vì người bệnh có thể phải chịu đựng những tác dụng phụ như hoa mắt, chóng mặt, nhịp tim bất thường, tăng huyết áp.

(theo news.bacsi.com)

1510 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập