Nhận biết bệnh cúm gia cầm và cách phòng bệnh 

Vào thời điểm thời tiết giao mùa rất dễ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh liên quan đến hệ hô hấp; hiện nay dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người đang có nguy cơ bùng phát mạnh. Theo thông báo của Tổ chức y tế thế giới, trong những tuần gần đây Trung Quốc liên tục ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) trên người, Lào ghi nhận mắc cúm A (H5N1) trên gia cầm, Philippin ghi nhận mắc cúm  A (H5N6) trên gia cầm. Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Bạc Liêu, còn các chủng cúm khác như A (H7N9), cúm A (H5N8), cúm A (H5N2) chưa xuất hiện, nhưng nguy cơ xâm nhập là rất lớn thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm từ gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Tỉnh Ninh Bình hiện chưa ghi nhận trường hợp cúm A nào trên cả người và gia cầm, tuy nhiên việc tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người là rất cần thiết. Nhận biết bệnh và cách phòng bệnh sẽ giúp cho người dân chủ động phòng chống dịch bệnh hiệu quả cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng. Bệnh cúm A là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do virut cúm tuýt A, chủng H5N1, H7N9 gây ra với các triệu chứng: Sốt 38 độ trở lên, ho khó thở liên tục, suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Virút cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9) có rất nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm. Trước đây, loại virus này chỉ gây bệnh cho gia cầm, song hiện nay lại gây bệnh cho cả thủy cầm và động lực của nó rất mạnh. Type virus này có tính biến dị cao, có thể kết hợp với các type khác sinh ra đại dịch. Virus lây lan mạnh trong điều kiện độ ẩm cao và nhiệt độ lạnh. Virus cúm cư trú trên các loài thủy cầm di cư như: cò, ngỗng trời, vịt trời... nên khả năng lây lan bệnh rất rộng và khó kiểm soát. Hiện nay, không một quốc gia nào khẳng định có đầy đủ phương tiện và kỹ thuật để ngăn ngừa, chống lại đại dịch cúm này nếu điều đó xảy ra. Bệnh cúm gia cầm thường biểu hiện thông qua các triệu chứng: - Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 21 ngày, có trường hợp kéo dài đến 28 ngày. - Gà bị bệnh cúm thường sốt cao, chảy nước mắt, đứng tụm một chỗ, lông xù, phù đầu và mắt, da tím tái, chân xuất huyết, chảy nước dãi, mào và yếm tím tái. - Tỷ lệ mắc bệnh cúm và chết tùy thuộc vào loài vật mắc bệnh, động lực của virus gây bệnh cũng như tuổi mắc và điều kiện môi trường. Trường hợp virus gây bệnh có động lực cao, gà có thể chết 100%. - Ngoài ra, khi gà bị cúm còn có thêm biểu hiện ăn ít, giảm sản lượng trứng, một số con còn có biểu hiện bị co giật. Bệnh lây truyền qua các đường sau: - Trực tiếp: Bệnh chuyển từ con nhiễm bệnh cho con khỏe. - Gián tiếp: Bệnh truyền thông qua không khí, dụng cụ chăn nuôi, xe cộ, phân rác, thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh. Để chủ động phòng chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau: - Không ăn, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. - Không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Không mua gia cầm không rõ nguồn gốc, không ăn trứng, thịt gia cầm khi chưa nấu chín hoàn toàn. - Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. - Nuôi gia cầm xa nơi ở và vệ sinh chuồng trại 1 lần/ tuần với vôi bột hoặc phun dung dịch Cloramin. Không nên tiếp xúc với gia cầm khi không cần thiết. - Không khạc nhổ bừa bãi, khi ho, hắt hơi nên che kín miệng. Người bị cảm cúm nên chủ động đeo khẩu trang khi tiếp xúc. - Uống nước chín, nước đã tiệt trùng. Thường xuyên súc miệng bằng dung dịch nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn khác. - Khi có biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. - Những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm, đi du lịch những vùng có dịch cúm gia cầm về phải quan tâm chú ý khi có hiện tượng sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay bệnh viện để khám và chữa bệnh sớm. Những người có tiếp xúc với người bệnh này phải tự nguyện khai báo để được theo dõi và thực hiện phòng chống dịch. - Vệ sinh môi trường: dọn dẹp nhà cửa thông thoáng để không khí lưu thông dễ dàng; lau sàn nhà hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường. - Vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế đưa tay lên mặt, ngoáy mũi…

Lan Hương

Đăng bởi: Nguyễn Lan Hương

27195 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập