Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe cho gan? 

Gan là cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, có chức năng chuyển hóa thực phẩm thành các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể, ngoài ra  gan còn có chức năng sản xuất, bài tiết mật, điều hòa hormone, tổng hợp enzyme hay thải độc.
Vì thế gan được coi là một “nhà máy” xử lý độc tố của cơ thể. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nhiều người chưa biết rằng, các căn bệnh về gan như viêm gan, gan nhiễm mỡ, thậm chí xơ gan, ung thư gan... thường bắt nguồn bởi những thói quen xấu hàng ngày mà bạn không ngờ tới… 1. Không ăn sáng hoặc nhịn ăn. Bữa sáng rất quan trọng đối với cơ thể, giúp dự trữ năng lượng cho cả ngày hoạt động. Ăn sáng đều đặn, lành mạnh giúp bạn duy trì được một nguồn năng lượng tốt và bền, giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt, gan không bị tổn thương. Nếu bạn thường xuyên bỏ bữa sáng, sẽ làm cho gan bị yếu, mất đi các chức năng quan trọng của gan như đào thải, thanh lọc… Hiện nay, ở Việt Nam, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng lên. Trong đó nhiều người cố gắng giảm cân bằng cách nhịn ăn sáng, hoặc coi nhịn ăn như một cách để thải độc cơ thể. Điều này rất phản khoa học, thậm chí ảnh hưởng tới hoạt động của gan. Các chuyên gia cho biết, khi nhịn ăn, không chỉ gan mà toàn bộ cơ thể đều không được cung cấp năng lượng  trong một thời gian dài, khi không có năng lượng gan cũng không thể hoạt động hiệu quả. Gan cần phải được cung cấp năng lượng thường xuyên nó sản xuất ra nhiều enzyme để thải độc tố. Muốn thải độc, gan phải làm việc chứ không phải nằm im mà thải được độc.. . Sau khi nhịn ăn, chúng ta  ăn trở  lại, có người ăn nhiều năng lượng hơn bình thường, lúc đó gan đang “quen” nghỉ ngơi giờ phải làm  việc quá sức, một lần nữa lại làm ảnh hưởng tới gan. Vì thế nhịn ăn không những không giảm được cân mà còn phản tác dụng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Khoa học đã chứng minh, muốn chống lại virus, vi khuẩn… xâm nhập, cơ thể con người cần phải có sức đề kháng. Nhịn ăn sẽ làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể. 2. Uống bia rượu và hút thuốc lá Rượu, bia được coi là kẻ thù lớn nhất của gan. Rượu, bia là nguyên nhân gây ra các bệnh về gan như: gan nhiễm độc, gan nhiễm mỡ, xơ gan; và rượu là tác nhân làm cho các bệnh về gan tiến triển xấu hơn và nhanh hơn. Một người mắc bệnh viêm gan B, nếu không dừng uống rượu, sẽ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh xơ gan, ung thư gan. Người Việt thường có thói quen “chén rượu là đầu câu chuyện”, đặc biệt trong các dịp lễ tết, gặp mặt. Nhưng những phong tục này hiện đã bị “biến tướng”, người ta không chỉ uống nhấp môi, coi đây là cách đưa đẩy câu chuyện mà uống rượu bia giờ đây đã trở thành những cuộc tranh đua, thách đấu gây ảnh hưởng tới sức khỏe của chính những người uống. Các chuyên gia cho biết, khi uống rượu, trên 90% chất độc được đào thải qua gan. Ethanol trong bia rượu khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa tại gan phần lớn tạo thành acetal dehyd và chính acetal dehyd gây hủy hoại tế bào gan. Nhất là rượu tự nấu ở Việt Nam, ngoài ethanol còn có nhiều chất khác như methanol, buthanol và các aldehyd gây tổn thương tế bào gan. Gan sản sinh ra các enzym để chuyển acetandehyd thành acetat - không độc để đào thải ra ngoài. Đó là nhờ gan chuyển từ một chất độc thành chất không độc với cơ thể. Tuy nhiên khả năng chuyển hóa của gan có hạn mà người nghiện rượu uống rất nhiều, quá khả năng của gan khiến acetandehyd ứ lại ở gan gây tổn thương gan. Đây là nguyên nhân khiến người lạm dụng rượu bia, nghiện rượu sẽ bị tổn thương gan, hậu quả của việc lạm dụng bia rượu sẽ khiến gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Rượu là một trong những kẻ thù tồi tệ nhất của gan. Nếu bệnh nhân nhiễm virus viêm gan ngừng uống rượu, xác suất mắc bệnh ung thư gan không tăng nữa. Ăn các loại thực phẩm giàu protein, vitamin và các loại thực phẩm giàu khoáng sản trong khi uống rượu có thể làm giảm khả năng uống của bạn cũng như giảm thiểu tác hại xấu lên gan của bạn. Uống nước trước khi uống rượu có thể tăng tốc độ chuyển hóa rượu, do đó bảo vệ gan tốt hơn. Với bệnh nhân viêm gan B khi tiếp tục uống rượu bệnh sẽ diễn biến nguy hiểm hơn và chính là con đường dẫn tới ung thư gan. Nói chung là các loại bệnh có liên quan về gan dù sử dụng nhiều hay ít vấn có tác động tới gan, khiến gan làm việc cực nhọc hơn và bệnh sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn. Không chỉ uống rượu bia, hút thuốc cũng là một trong những thói quen mà bạn cần dừng ngay bây giờ nếu muốn có một sức khỏe tốt. Khói thuốc lá gián tiếp tác động đến gan. Các hóa chất độc hại được phát hiện trong khói thuốc dần dần sẽ đến gan và gây ra sự mất cân bằng oxi hóa, nó làm cho gan sản sinh ra các gốc tự do gây tổn hại đến các tế bào gan. 3. Uống ít nước Một trong những nhiệm vụ chính của gan là thải độc tố ra khỏi cơ thể. Việc uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu và tăng cường khả năng hoạt động của các tế bào gan, giúp quá trình đào thải chất độc hiệu quả hơn. Không uống đủ nước, quá trình thải độc gan vẫn diễn ra nhưng nó sẽ không đạt được nhiều hiệu quả như khi bạn uống đủ nước. Chính vì vậy, hãy bổ sung đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày bằng các loại nước lọc, nước ép trái cây, sữa, nước canh, vv. 4. Tác hại của chất bảo quản thực phẩm, hóa chất, tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật Việc lạm dụng các hóa chất trong trồng trọt, chăn nuôi ảnh hưởng tới sức khỏe của con người đặc biệt là lá gan. Sự phát triển của xã hội, khiến  đời sống ngày càng được nâng cao, nhưng cùng với đó là sự xuất hiện của những loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ…  khiến mỗi người càng ngày càng “nạp” vào cơ thể vô số các loại hóa chất, kể cả chất bảo quản. Các chuyên gia cho biết, khoa học đã chứng minh uống nước ngọt có gas là nguyên nhân khiến bệnh gan nhiễm mỡ gia tăng, điều này cực kỳ nguy hại. Ngoài ra ăn các thực phẩm để lâu, trong quá trình chế biến, bảo quản chứa các loại độc tố như nấm mốc sẽ dẫn tới nguy cơ bị nhiễm độc gan, thậm chí là ung thư gan. Các hóa chất có hại trong thực phẩm làm cho gan phải hoạt động liên tục để thải độc. Vì vậy gan sẽ rơi vào tình trạng quá tải và chính nó cuối cùng cũng bị nhiễm độc bởi các hóa chất kể trên. 5. Sử dụng thuốc đông y và tây y không hợp lý Đây là một trong những nguyên nhân vô tình người bệnh gây ra “gánh nặng” cho lá gan của mình. Nhiều người khi sử dụng các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây ngộ độc gan. Thậm chí cả thuốc tây, có nhiều thuốc khiến men gan tăng. Tất cả các thuốc, hóa chất được uống vào cơ thể đều được chuyển hóa qua gan. Vì vậy, nếu lạm dụng thuốc, chức năng gan sẽ suy giảm (có những thuốc rất hại gan như kháng sinh, thuốc điều trị tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường). Những người đã nhiễm virus viêm gan B,C, chức năng gan yếu hơn người bình thường càng cần phải thận trọng khi dùng thuốc (chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết và có tư vấn của bác sĩ, dược sĩ). Cố gắng tránh các loại thực phẩm chức năng không cần thiết cho gan. Thuốc dân gian chưa được kiểm chứng, các loại thực phẩm bổ sung cho chế độ ăn uống, chiết xuất, nước trái cây có thể gây ra tác động nghiêm trọng như nhiễm độc gan, rối loạn chức năng và tổn thương gan. Tình trạng tổn thương gan kéo dài có thể dẫn đến các bệnh gan khác nhau và thậm chí ung thư gan. Vì vậy, hãy cẩn thận và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ loại thực phẩm nào đươc quảng cáo là tốt cho sức khỏe. Đây cũng là một cách loại bỏ thói quen xấu ảnh hưởng đến gan của bạn. 6. Thức quá khuya và dậy quá muộn Đây là một thói quen nhiều người mắc phải. Khi thức quá khuya, khiến cơ thể không được nghỉ ngơi, gan không được hồi phục. Các chuyên gia cho rằng, khi ngủ, máu về gan giúp gan thực hiện chức năng “thải độc tố” của mình. Nếu một người ngủ không đủ giấc hoặc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của gan. Đồng hồ sinh học của cơ thể được lập trình cho gan như sau: Từ 11h đêm – 1h sáng mỗi ngày là khoảng thời gian gan bắt đầu lọc và đào thải các chất độc trong cơ thể. Từ 1h sáng – 3h sáng là lúc bạn cần ngủ say để gan có thể thanh lọc cơ thể tốt nhất. Từ 3h sáng – 5h sáng, gan hoàn thành quá trình thanh lọc cơ thể và nghỉ ngơi Từ 5 giời – 7 giờ sáng chính là thời điểm tốt nhất để thức dậy và vệ sinh cá nhân, độc tố sẽ thải ra bên ngoài. Đồng hồ sinh học đã ấn định như vậy nên nếu bạn thức quá khuya hay dậy quá trễ, 2 việc này đều gây hại đến việc thải độc và nghỉ ngơi của gan. Lâu dần chức năng gan sẽ suy giảm. Đó là lý do vì sao, bạn cần nghỉ ngơi đúng giờ, để không làm ảnh hưởng đến việc thải độc và nghỉ ngơi của gan. 7. Căng thẳng, mệt mỏi Căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống hằng ngày ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là gan, thận. Khi cơ thể căng thẳng, mất ngủ, mệt mỏi, áo lực máu tăng cao,lượng máu lưu thông trong gan, thận giảm mạnh, không đủ để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Vì vậy phải cân bằng cuộc sống, luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan. Vậy, chúng ta phải làm gì để lá gan khỏe mạnh? Muốn có một lá gan khỏe cần thực hiện: - Ăn uống đầy đủ, vệ sinh, cân đối dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn sẵn, không ăn thực phẩm có nguy cơ bị ngộ độc, nấm mốc. - Thận trọng khi dùng thuốc, tốt nhất cần sự tư vấn của bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào. - Hạn chế rượu bia, thuốc lá. - Tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, đúng giờ Ngoài ra việc sử dụng những sản phẩm chứa hỗn hợp enzym tự nhiên, chiết xuất bằng công nghệ sinh học từ những loại rau củ quả rất quen thuộc với đời sống hàng ngày như đu đủ, củ cải, mướp đắng, gấc… cũng giúp tăng cường chức năng gan, tăng quá trình thải độc trong cơ thể, phòng ngừa các bệnh về gan. Lê Lan

Đăng bởi: Nguyễn Lan Hương

1925 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập