Gia tăng trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. 

Tính đến ngày 4/7/2022, dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Hiện nay miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng ẩm kèm theo mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti (gây bệnh sốt xuất huyết) sinh sản phát triển; bên cạnh đó việc người dân đi du lịch, đi lại nhiều, rất dễ để dịch bệnh bùng phát, lây lan.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Một tháng nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho hàng chục trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, đa số là do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra. Dự báo số ca nhập viện sẽ tăng trong thời gian tới.

Nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhập viên trong tình trạng nặng, nếu không được điều trị kịp thời theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, có nguy cơ dẫn đến tử vong”.  (theo T5g.org.vn)

Cũng theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình: tính đến ngày 4/7/2022, dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng; toàn tỉnh ghi nhận 21 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Với 3 ổ dịch, trong đó: 1 ổ dịch tại xã Yên Hưng, huyện Yên Mô, đây là các ca bệnh nội sinh; 1 ổ dịch tại thôn Dưỡng Hạ, Ninh Vân, Hoa Lư; 1 ổ dịch tại xóm 1, Đông Sơn, Yên Mạc, Yên Mô. Các ca bệnh có tiền sử dịch tễ đi về từ các tỉnh phía Nam (như thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang...).

Các ca bệnh được điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và không có ca bệnh nặng phải chuyển tuyến.

Trước tình hình các ca bệnh sốt xuất huyết gia tăng, các bác sĩ khuyến cáo, người dân có tiền sử dịch tễ đi - về từ các vùng đang lưu hành, bùng phát dịch sốt xuất huyết cần lưu ý nếu thấy có biểu hiện, triệu chứng của bệnh cần sớm đi khám.

Để phòng chống bệnh Sốt xuất huyết, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế:

1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/ loăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

P.CTXH

 

557 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập