Cúm A/H1N1 “quay lại”: Không nên xem nhẹ 

Trong khi ngành y tế đang nỗ lực đối phó với dịch cúm A/H5N1 và chủ động ngăn chặn chủng virút cúm A/H7N9 xâm nhập thì trong thời gian gần đây tại một số tỉnh thành lại “đón nhận” sự quay lại của cúm A/H1N1 đang trội lên so với các bệnh cúm khác do lây lan qua đường hô hấp nên số bệnh nhân tăng khá nhanh.

 

 

Tuy loại vi rút cúm A/H1N1 có đặc tính lây lan nhanh nhưng không gây tử vong cao và được liệt vào cúm mùa bởi mức độ nguy hiểm thấp, song nếu không được phát hiện sớm, để bệnh diễn tiến nặng thì nguy cơ tử vong vẫn xảy ra. Do đó, chúng ta cũng cần phải chủ động phòng, chống cúm A/H1N1 cùng với các chủng virút cúm A/H5N1, A/H7N9.

Các triệu chứng của cúm A/H1N1 cũng tương tự như các triệu chứng của cúm thông thường theo mùa, gồm: đột nhiên sốt cao, đau khắp người, nhức đầu, mệt mỏi, ho khan, chảy nước mũi, đau họng. Ngoài các biểu hiện trên, yếu tố quan trọng nghi ngờ mình nhiễm virut cúm A/H1N1 là từ vùng dịch trở về hay tiếp xúc với người mà sau đó được xác định là mang bệnh cúm A/H1N1. Bệnh cúm chủ yếu lây qua đường hô hấp từ người này sang người khác qua ho hay hắt hơi, sờ, cầm vào đồ vật có nhiễm virút rồi đưa tay lên mũi, miệng hay mắt. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài 2 - 7 ngày, thời gian lây truyền là một ngày trước khi có dấu hiệu bệnh và kéo dài đến 7 ngày sau khi phát bệnh.

Cúm A/H1N1 không lây qua các thực phẩm làm từ thịt lợn và cũng không lây qua con đường thực phẩm. Bệnh dễ lây nhất trong 5 ngày đầu phát bệnh mặc dù ở một số người, hầu hết là trẻ em, thì nguy cơ lây nhiễm lên tới 10 ngày.

TP.HCM đã có ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tử vong

Sau chuyến đi du lịch đến Khu du lịch Chàm chim Rừng Sác, Cần Giờ với khoảng 12-13 người cùng Hội Cựu chiến binh của phường; ngày 26/4 vừa qua bệnh nhân NHC (72 tuổi, ngụ tại Q.11) phát sốt, gia đình mua thuốc uống nhưng không khỏi. Sau đó bệnh diễn tiến nặng hơn và nhập viện điều trị tại BV 7A (Quân khu 7). Trong thời gian nằm bệnh viện, bệnh nhân chuyển bệnh nặng hơn với chẩn đoán viêm phổi nặng. Bệnh nhân đã được hội chẩn và gửi mẫu bệnh phẩm đến BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 và đến ngày ngày 3-5 bệnh nhân tử vong. Là bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP.HCM.

Qua kết quả điều tra dịch tễ và giám sát theo dõi ca bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng TP chưa phát hiện các hộ xung quanh nhà bệnh nhân (khoảng 30 hộ) có ai bị bệnh tương tự trong thời gian một tuần trước khi bệnh nhân khởi bệnh cũng như không phát hiện người nào trong nhóm đi du lịch cùng bệnh nhân này mắc bệnh cảm cúm trước khi bệnh nhân C phát bệnh một tuần và đến thời điểm này trong nhà bệnh nhân C không có ai bệnh cảm cúm.

Hiện 11 người trong gia đình thường xuyên chăm sóc cho bệnh nhân trong thời gian bị bệnh, 10 người trong trại hòm xử lý tử thi, 35 người trong UBND thường xuyên thăm nom, chăm sóc bệnh nhân được lập danh sách để theo dõi giám sát.

Theo chỉ đạo của Sở Y tế về tăng cường các biện pháp xử lý, phòng ngừa bệnh lây lan, Trung tâm Y tế dự phòng TP cũng đã phối hợp và chỉ đạo y tế địa phương khử khuẩn môi trường bằng dung dịch 2% cloramin 25% liên tục 7-10 ngày tại nơi ở của bệnh nhân; tiếp tục theo dõi sức khỏe những người cùng đi du lịch chung, những người tiếp xúc gần bệnh nhân (chăm sóc, viếng thăm,…) và cho uống thuốc Tamiflu dự phòng cho những người tiếp xúc với bệnh nhân là các đối tượng nguy cơ cao như trên 60 tuổi hoặc dưới năm tuổi, những người có bệnh nền như bệnh tim mạch, nội tiết (tiểu đường),….

(Phượng Linh)

 

Phòng bệnh bằng các phương pháp: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Nếu có điều kiện nên sát khuẩn tay bằng cồn y tế, đặc biệt là sau khi từ các nơi công cộng về. Làm vệ sinh các bề mặt vật dụng, đồ đạc trong nhà bằng các dung dịch khử khuẩn thông thường để diệt virút dính lại trên bề mặt của đồ vật khi ho, hắt hơi. Thường xuyên đeo khẩu trang khi đi đường hoặc đến các nơi công cộng. Khi có biểu hiện như đột ngột sốt cao, ho, đau cơ thì nên đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo đối với các loại virút gây viêm đường hô hấp thông thường, chỉ cần các biện pháp đơn giản như rửa tay thường xuyên, nhà cửa thông thoáng, uống đủ nước, ăn các thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa và sử dụng một số loại kháng sinh chống bội nhiễm. Tuy nhiên, cũng cần hết sức cảnh giác với những người có sức đề kháng yếu, có bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp…

(theo t4ghcm.org.vn)

2615 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập