Phòng chống dịch bệnh mùa đông. 

Hiện nay đang là thời điểm chuyển mùa đông, nhiệt độ có sự chênh lệch giữa ngày và đêm, làm cho cơ thể con người chưa kịp thích nghi, nhất là đối với người già và trẻ em. Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, nhất là các dịch bệnh về đường hô hấp, cúm, sốt xuất huyết, các bệnh đường tiêu hóa…rất thường hay gặp phải và dễ lây lan trong cộng đồng. Để chủ động phòng chống dịch, người dân cần tiêm vaccine theo hướng dẫn của ngành y tế; ăn uống đủ chất; thường xuyên vận động; ở hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư an toàn, sạch sẽ...

Hiện nay đang là thời điểm chuyển mùa đông, nhiệt độ có sự chênh lệch giữa ngày và đêm, làm cho cơ thể con người chưa kịp thích nghi, nhất là đối với người già và trẻ em. Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, nhất là các dịch bệnh về đường hô hấp, cúm, sốt xuất huyết, các bệnh đường tiêu hóa…rất thường hay gặp phải và dễ lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa kết thúc và dịch bệnh Đậu mùa khỉ còn đang phức tạp tại các quốc gia trên thế giới và các nước lân cận Việt Nam. Nếu người dân lơ là, chủ quan, rất dễ xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch, gây khó khăn trong công tác phòng chống.

Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, thời điểm tháng 10, tình hình một số dịch bệnh truyền nhiễm (tay chân miệng, covid -19) trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, không có ca tử vong. Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD), toàn tỉnh ghi nhận 46 ổ dịch, đã được khoanh vùng, phun hoá chất và xử lý trên diện rộng, hiện nay 45 ổ dịch đã kết thúc, hiện chỉ còn 1 ổ dịch tại huyện Yên Mô. Đến hết tháng 10 ghi nhận 212 ca bệnh, trong đó có 126 trường hợp nội tỉnh và 86 trường hợp xâm nhập; số trường hợp mắc SXHD cao nhất ở huyện Yên Mô, tiếp đến là huyện là Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Kim Sơn, Tam Điệp, thấp nhất là thành phố Ninh Bình.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, để để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa thu đông, không để dịch bùng phát tại bệnh viện và cộng đồng, giúp người bệnh được thoải mái, yên tâm khám và điều trị; bệnh viện đã tập trung các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi:

Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm cho nhân viên y tế.

Tổ chức giám sát thường xuyên các bệnh truyền nhiễm: Tại khoa Khám bệnh, khoa Khám bệnh theo yêu cầu, khoa Cấp cứu và các khoa nội trú có khám bệnh khám sàng lọc kỹ, phát hiện sớm nếu có ca bệnh chuyển ngay đến khoa truyền nhiễm để điều trị, không để lây lan bệnh trong bệnh viện. Tại các khoa Lâm sàng nếu có ca bệnh nghi ngờ sẽ được giám sát kỹ, hội chẩn sàng lọc nhanh, điều trị kịp thời, tránh để lây chéo sang bệnh nhân khác. Tại khoa truyền nhiễm, chuẩn bị đầy đủ giường bệnh, cơ số thuốc, vật tư để sẵn sàng điều trị.

Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, công tác vệ sinh môi trường, nhất là nguồn nước cung cấp cho bệnh viện.Tổ chức phun thuốc diệt muỗi cho các khoa, phòng và buồng bệnh.

Tăng cường giám sát, kiểm tra việc câp cấp xuất ăn, đảm bảo rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, thường xuyên thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe để người bệnh, người nhà người bệnh nâng cao hiểu biết, phòng bệnh và tự chăm sóc khi mắc các bệnh truyền nhiễm.

BVĐKNB khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi về các bệnh thường gặp trong mùa đông

Để phòng chống dịch bệnh lúc giao mùa hiệu quả, BS.CKI. Phạm Minh Thắng - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng bệnh sẽ tốt hơn chữa bệnh, đặc biệt cần chú ý tới đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em nhỏ và người cao tuổi.

Người dân nên tiếp tục hoàn thiện việc tiêm Vaccine phòng bệnh Covid-19, tiêm các loại vaccine phòng chống sốt xuất huyết, cúm A, cúm B…Việc tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm.

Người dân cần chủ động ăn, ở hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư an toàn, sạch sẽ…

Giữ ấm cơ thể: Thời điểm giao mùa nóng lạnh thất thường, cơ thể dễ bị cảm lạnh. Vì vậy, cần giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là gan bàn chân.

Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, cân đối giữa các nhóm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng, nhất là các loại cam, quýt, bưởi…cung cấp nhiều vitamin C. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Thường xuyên vận động: Giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Để vận động phát huy hiệu quả tốt nhất, bạn cần dành ra khoảng 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày để luyện tập thể dục. Khi luyện tập, nên chú ý việc lựa chọn trang phục phù hợp với nhiệt độ của môi trường. Người già không nên tập quá sớm, nên tập nhẹ nhàng trong nhà, để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đeo khẩu trang khi ra ngoài: Đeo khẩu trang để phòng bệnh là một việc đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn ngừa vi rút, vi khuẩn lây qua đường hô hấp. Khi bản thân có các triệu chứng như hắt hơi, ho… nên đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.

Hương Giang - Lan Hương

 

 

697 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập