Phát hiện sớm và Quản lý bệnh đái tháo đường. 

Trước sự gia tăng về tỷ lệ mắc bệnh và gánh nặng của Đái tháo đường, việc dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng cách bệnh đái tháo đường và các biến chứng là thực sự cần thiết; trong đó, việc quản lý người bệnh ĐTĐ rất quan trọng; giúp cung cấp các kiến thức cơ bản về bệnh ĐTĐ, giúp người bệnh nâng cao nhận thức, chủ động kiểm soát, phòng ngừa và điều trị bệnh.

Theo Th.S.Vũ Khánh Chi - Phó trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hoá không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai.

Đây là một loại bệnh rất hay gặp, chiếm tỉ lệ tới 60 - 70% các bệnh về nội tiết nói chung. Tại Việt Nam tỉ lệ người mắc ĐTĐ ngày càng tăng và có tới 50% người mắc ĐTĐ không biết mình có bệnh.

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hoàn toàn hoặc không hoàn toàn chất insulin (hormon của tuyến tuỵ) trong máu. Ngoài ra một số người bị ĐTĐ còn có nguyên nhân là do các bệnh nội tiết khác, hoặc do thuốc và hoá chất...Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Bệnh Đái tháo đường bao gồm các loại: Đái tháo đường type 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối). Đái tháo đường type 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin). Đái tháo đường thai kỳ (là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ type 1, type 2 trước đó).

Triệu chứng của bệnh ĐTĐ: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sút cân. Ngoài ra người bệnh còn bị khô miệng, khô da, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, rụng tóc và rối loạn kinh nguyệt (ở phụ nữ), vết thương lâu lành, có cảm giác kiến bò ở đầu chi ...

Nếu người bệnh không được khám và điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nặng và phức tạp ở các phủ tạng:

- Biến chứng mạch máu: Tổn thương mạch máu do tăng lipid máu gây vữa xơ động mạch. Tổn thương mạch máu lớn gây ra nhồi máu cơ tim, tỉ lệ nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân ĐTĐ rất cao, gây co thắt và hẹp các động mạch tứ chi, dẫn đến tắc mạch gây hoại tử. Tổn thương mạch máu nhỏ gây ra rối loạn chức năng một số cơ quan như thận, tiết niệu, võng mạc mắt, nếu không được điều trị tích cực có thể dẫn đến suy thận, mù lòa (suy giảm thị lực).

- Biến chứng não: tắc mạch máu não, gây nhũn não hoặc xuất huyết não.

- Biến chứng hô hấp: dễ bị viêm phổi, viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn.

- Biến chứng tiêu hoá: viêm loét dạ dày, rối loạn chức năng gan, tiêu chảy.

- Biến chứng thận, tiết niệu: rối loạn chức năng thận và bàng quang, mà điển hình là suy tiểu cầu thận, viêm bể thận cấp tính hoặc mạn tính.

- Biến chứng thần kinh: thường có cảm giác đau, rát bỏng ở các đầu chi; teo cơ...

- Biến chứng ở da: Ngứa ngoài da, thường hay bị mụn nhọt, lòng bàn tay, bàn chân có ánh vàng; xuất hiện các u màu vàng gây ngứa ở gan bàn tay, bàn chân, mông, nấm da, viêm mủ da.

Trước sự gia tăng về tỷ lệ mắc bệnh và gánh nặng của Đái tháo đường, việc dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng cách bệnh đái tháo đường và các biến chứng là thực sự cần thiết; trong đó, việc quản lý người bệnh ĐTĐ rất quan trọng; giúp cung cấp các kiến thức cơ bản về bệnh ĐTĐ, giúp người bệnh nâng cao nhận thức, chủ động kiểm soát, phòng ngừa và điều trị bệnh.

Năm 2021, ngày phòng, chống bệnh Đái tháo đường được lấy  chủ đề chính của Ngày ĐTĐ Thế giới là "Tiếp cận chăm sóc đái tháo đường" đã gửi thông điệp là: 100 năm sau khi phát hiện ra insulin đến nay, hàng triệu người mắc bệnh đái tháo đường trên khắp thế giới không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc mà họ cần. Những người bị bệnh đái tháo đường cần được chăm sóc và hỗ trợ liên tục để kiểm soát tình trạng bệnh của họ và phòng tránh các biến chứng. Qua thông điệp trên, nhằm cập nhật các kiến thức mới, nâng cao năng lực trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác hoạt động phòng chống đái tháo đường và các bác sĩ điều trị bệnh ĐTĐ; góp phần duy trì thực hiện tốt hoạt động PC ĐTĐ và công tác khám, điều trị bệnh ĐTĐ tại các đơn vị y tế. Qua đó, giúp khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc bệnh đái tháo đường nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.

Tai Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình hàng năm bệnh viện khám cho hàng trăm nghìn lượt người bệnh và điều trị nội trú khoảng 10 nghìn lượt, trong đó người bệnh đến khám điều trị bệnh đái tháo đường ngày một tăng. Từ tháng 1 năm 2010 đã tổ chức khám, phát hiện và quản lý theo dõi, cấp thuốc điều trị bệnh ĐTĐ typII cho bệnh nhân trong toàn tỉnh và các vùng lân cận. Tính đến năm 2021, bệnh viện hiện đang quản lý cho gần 5000 người bệnh Đái tháo đường; giúp đáp ứng việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người bệnh ĐTĐ tại tuyến y tế cơ sở, giúp người bệnh giảm chi phí điều trị cũng như nâng cao chất lượng sống.

Để phát hiện sớm và phòng, chống bệnh ĐTĐ giúp giảm gánh nặng bệnh, người dân cần lưu ý một số khuyến cáo của ngành Y tế như sau:

1. Để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, nên thường xuyên kiểm tra các triệu chứng theo hướng dẫn sau:

- Khát nước và uống nước nhiều: Triệu chứng đầu tiên khi mắc bệnh đái tháo đường, bạn sẽ cảm thấy khát hơn bình thường. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sỹ để phân biệt với tình trạng khát nước uống nhiều nước do mất nước.

- Đi tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu nhiều: Nếu bạn đi tiểu nhiều cùng với lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường, chất lượng nước tiểu bình thường, tiểu không gắt buốt… nên nghĩ đến bệnh đái tháo đường.

- Mệt mỏi thường xuyên, cơ thể yếu kém, sụt cân không rõ nguyên nhân.

- Mờ mắt: Thị lực của bạn không còn rõ như trước, hình ảnh mờ nhạt dần, nhòa không rõ. Bạn cần phải đi khám mắt và kiểm tra đường huyết để xác định bệnh đái tháo đường hay các bệnh lý võng mạc khác.

- Vết thương lâu lành: Người bệnh đái tháo đường có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, tổn thương lòng mạch, tắc mạch máu hoại tử cơ quan bộ phận, vì thế dẫn đến việc các vết thương ngoài da khó lành, đôi khi hoại tử nhiễm trùng.

2.Để phòng, chống bệnh ĐTĐ cần:

- Có chế độ ăn uống lành mạnh: lựa chọn thực phẩm tươi và carbohydrate nguyên hạt, ăn nhiều ngũ cốc như kê, đậu, ngô, lúa mì, tăng cường ăn rau xanh…; tránh các loại thực phẩm giàu chất béo và cholesterol, giảm thịt cá, tránh ăn thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, bánh hambeger… hạn chế thịt đỏ vì có chứa nhiều carbohydrates tinh chế và chất béo không tốt cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ đái tháo đường.

- Kiểm soát cân nặng:  Theo Chương trình Giáo dục Đái tháo đường Quốc gia, bệnh béo phì là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh đái tháo đường thể 2, những người thừa cân mà giảm được 5-7% trọng lượng cơ thể của họ có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái đường.

- Tập thể dục.

- Tránh uống rượu bia, không hút thuốc lá.

- Giảm stress, thường xuyên thư giãn, có giấc ngủ ngon.

- Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất để sớm phát hiện bệnh đái tháo đường. Việc kiểm tra phát hiện sớm bệnh đái tháo đường có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kịp thời được tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để giảm tiến triển đến đái tháo đường thật sự. Đặc biệt là những người có nguy cơ cao như: từ 40 tuổi trở lên, từng được xác định rối loại đường huyết, thừa cân, béo phì, mắc bệnh lý tim mạch, có người thân trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường, phụ nữ từng mắc đái tháo đường thai kỳ...

- Thực hiện theo khuyến cáo của chuyên gia y tế: nên kiểm tra máu, khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần, để phát hiện những bất thường và điều chỉnh lối sống hợp lý, kiểm soát BMI.

 3. Để ngăn ngừa các biến chứng do bệnh đái tháo đường, người bệnh cần ghi nhớ:         

- Tuân thủ nghiêm chế độ điều trị của bác sỹ.

- Có chế độ ăn uống hợp lý: Tránh những thức ăn có đường, có cồn. Hạn chế glucid. Thức ăn có chứa nhiều glucid: gạo, tinh bột, ngũ cốc, trái cây ngọt…Nên chọn thức ăn có chỉ số tải đường huyết thấp. Hạn chế acid béo bão hòa, chuyển sang acid béo không bão hòa như dầu cá, dầu Olive. Hạn chế muối trong khẩu phần ăn, nhất là bệnh nhân đái tháo đường kèm tăng huyết áp. Bổ sung chất xơ, vitamin và các yếu tố vi lượng.

- Tăng cường hoạt động thể lực, chọn một số môn thể thao để luyện tập phù hợp: bơi, đi bộ…

Lan Hương

 

1328 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập