Khuyến nghị của Bộ Y tế đối với người bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19. 

Bệnh thận mạn tính là bệnh có nguyên nhân tử vong thứ 12 trên thế giới. Hậu quả đầu tiên của bệnh thận mạn tính là nếu không được phát hiện là nguy cơ mất chức năng thận tiến triển có thể dẫn đến suy thận (còn gọi là bệnh thận giai đoạn cuối, ESRD) có nghĩa là cần phải điều trị lọc máu thường xuyên hoặc ghép thận để tồn tại. Hậu quả thứ hai của bệnh thận mạn tính là nó làm tăng nguy cơ tử vong sớm do các bệnh tim mạch liên quan (đau tim và đột quỵ).Người bệnh lọc máu được xếp vào nhóm có nguy cơ cao với bệnh truyền nhiễm, bởi đây là những người bệnh dễ bị tổn thương có nhiều bệnh mắc kèm và kèm rối loạn chức năng miễn dịch liên quan đến suy thận. (https://kcb.vn/)

Trước bối cảnh dịch COVID-19 gia tăng các, bằng chứng khoa học cho thấy người mắc bệnh mạn tính, người cao tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi tác động của dịch bệnh. Trong đó bệnh thận mạn tính là căn bệnh tiềm ẩn nguy cơ tử vong rất cao. Vì thế, ngày 6 tháng 3 năm 2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1470/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn  “Hướng dẫn mới để điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19” trong đó có khuyến nghị đối với người bệnh thận mạn giai đoạn cuối.

Ảnh minh họa (Nguồn:Internet)

Khuyến nghị cho người bệnh thận mạn giai đoạn cuối:

1. Điều quan trọng nhất là người bệnh hạn chế tiếp xúc với người khác, đồng thời vẫn phải duy trì đều, ổn định chế độ điều trị hiện tại kết hợp với chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, tránh căng thẳng.. để tăng cường miễn dịch chống lại dịch COVID-19.

2. Người bệnh, người nhà phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Chính Phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và chính quyền địa phương.

3. Nếu người bệnh có bất thường trong quá trình tự theo dõi bệnh tại nhà, người bệnh nên xin tư vấn từ xa với nhân viên y tế ngay. Nếu đến lịch khám định kỳ nhưng bị trì hoãn do dịch, nên xin tư vấn từ xa với nhân viên y tế theo đúng hẹn và phải đảm bảo duy trì phác đồ điều trị hiện tại cho tới lần khám dự kiến tiếp theo. Khi tư vấn từ xa, người bệnh nên cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân viên y tế về diễn biến bệnh và điều trị để có được những điều chỉnh tương đối phù hợp với thực tế bệnh. Các phương tiện thông tin liên lạc có thể được sử dụng trong tư vấn tử xa bao gồm điện thoại, Viber, Zalo, Facebook... để tham vấn cán bộ y tế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Hãy chắc chắn có đầy đủ địa chỉ, số điện thoại liên lạc khi cần của bệnh viện, hiệu thuốc, của bác sĩ, người thân.

4. Khi bắt buộc phải đi khám, chữa bệnh, hoặc đến lịch tái khám, trước khi đến cơ sở y tế, người bệnh phải đặt lịch hẹn. Không nên đến sớm trước lịch hẹn.

5. Người bệnh thông báo trước cho Đơn vị lọc máu (bao gồm trung tâm/khoa/đơn vị thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) nếu có diễn biến bệnh bất thường. Người bệnh có sốt, các triệu chứng liên quan đến COVID-19 phải thông báo trước cho Đơn vị lọc máu trước khi đến. Người bệnh sẽ được Đơn vị lọc máu hướng dẫn phòng, chống COVID-19 trước khi đến, khi đến người bệnh sẽ được tầm soát COVID- 19 và đánh giá tại khu vực riêng biệt.

6. Khuyến khích người bệnh, nếu có thể sử dụng phương tiện di chuyển riêng và đi một mình (hoặc cùng người chăm sóc, nếu cần thiết) đến Đơn vị lọc máu.

7. Bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ cần nâng cao cảnh giác và tinh thần phòng chống dịch trong đó có việc ăn uống, vệ sinh, khoa học, bổ sung vita-min và vận động thể chất phù hợp để nâng cao sức đề kháng.

8. Tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế và nhân viên y tế về giữ vệ sinh tay, vệ sinh đường hô hấp, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

9. Khai báo y tế trung thực, khi có các triệu chứng ho, sốt hoặc các vấn đề sức khỏe khác cần gọi điện cho đơn vị lọc máu trước khi đến. ( Đoạn này không thấy trong khuyến nghị của Bộ Y tế ở Quyết định số 1470.

Đối với đơn vị lọc máu:

1.Cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp trong đó có việc nhận biết sớm và cách ly các bệnh nhân có triệu chứng về hô hấp, các bệnh nhân cần được khai báo y tế trước khi vào đơn vị lọc máu; khi có các triệu chứng ho, sốt, cần được lọc ở khu riêng và yêu cầu sử dụng khẩu trang trong suốt thời gian lọc;

2. Cung cấp cho bệnh nhân các kiến thức về vệ sinh tay, giữ vệ sinh đường hô hấp và đeo khẩu trang đúng cách; vệ sinh bổ sung bề mặt ghế lọc máu và bàn làm việc của nhân viên y tế trong phạm vi gần khu vực lọc máu.

3. Đảm bảo các bệnh nhân giữ đúng khoảng cách tối thiểu 2m ở cả khu vực chờ và khu vực lọc máu.

P.CTXH

1444 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập