Giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác. 

Việc ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư da dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác. Tại Việt Nam trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4 gam muối trong một ngày, tăng gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới: mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gam muối/ngày để nâng cao sức khỏe, bảo vệ gia đình mình chống lại bệnh tật.

Tại Hội thảo quốc tế về chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại châu Á (ngày 19/11/2018), PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính và ung thư. Ước tính cứ trong 10 ca tử vong ở Việt Nam thì có gần 8 ca tử vong là do bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, trong số 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay có tới gần 60% chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị. Trong tổng số hơn 3 triệu người bị đái tháo đường thì có gần 70% chưa được phát hiện bệnh và trên 70% chưa được quản lý điều trị thuốc ...( https://moh.gov.vn/).

Số liệu của Cục Y tế dự phòng cho thấy hiện nay tại Việt Nam cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Trong năm 2016 ước tính toàn quốc có tới 81.800 trường hợp chết chỉ riêng do đột quỵ (chiếm tới 15% tổng số tử vong toàn quốc) và 67.500 trường hợp chết do bệnh tim thiếu máu cục bộ (chiếm 12% số tử vong).

Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người dân hút thuốc lá, uống rượu bia; đặc biệt là liên quan đến chế độ ăn uống đang gia tăng ở nhóm trẻ tuổi hơn, gây ra những gánh nặng kinh tế lâu dài cho xã hội. Chế độ ăn không hợp lý là nguyên nhân gây của hơn 19% tổng số ca tử vong toàn cầu năm 2017. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư da dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác. Tại Việt Nam trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4 gam muối trong một ngày, tăng gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới: mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gam muối/ngày.

Muối là loại gia vị có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng nếu sử dụng quá nhiều thì sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn. Do đó, chúng ta cần chú ý hạn chế sử dụng đồ ăn mặn, có chế độ ăn uống hợp lý và giàu dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, bảo vệ gia đình mình chống lại bệnh tật.

Để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân, bạn nên thực hiện giảm muối trong chế độ ăn của gia đình. Cụ thể:

Giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

- Ưu tiên chọn thực phẩm tươi thay vì các món ăn mặn thường ngày được chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, bim bim, hạt điều rang muối,... Nguyên nhân là vì các thực phẩm chế biến sẵn thường được cho thêm nhiều muối để có thể bảo quản được lâu. Nếu vẫn muốn ăn các thực phẩm này, người dùng nên chọn sản phẩm có hàm lượng muối thấp hơn (xem thành phần muối hoặc natri ghi trên nhãn dinh dưỡng thực phẩm).

- Chọn cách chế biến món ăn: nên chế biến món luộc, hấp thay vì món cần nhiều gia vị mặn trong quá trình chế biến như món kho, rim, rang,... để làm giảm lượng muối ăn vào hằng ngày từ các loại đồ ăn mặn.

- Khi nấu nướng, nếu muốn gia giảm gia vị mặn, người nấu nên nếm thức ăn trước khi thêm gia vị để đảm bảo cho vào lượng vừa đủ, không cho quá nhiều. Ngoài ra, mì chính là gia vị có vị ngọt nhưng trong thành phần có natri - tương tự thành phần chính của muối ăn - nên người nội trợ cũng nên hạn chế dùng mì chính để tăng vị ngọt của món ăn.

- Nên giảm ăn muối một cách từ từ để cơ quan cảm nhận vị giác có thể dần thích nghi.

- Giảm lượng gia vị mặn chứa nhiều muối cho vào món ăn bằng cách chế biến với các loại gia vị khác để tăng cảm giác của vị giác.

- Tự nấu ăn ở nhà để chủ động kiểm soát lượng muối ăn vào một cách tốt nhất.

- Hạn chế chấm nước mắm, bột canh,... Tốt nhất, khi ăn các loại nước chấm trên người dùng nên pha loãng, dùng thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để tăng vị giác, bù cho vị mặn bị bớt đi.

- Nên sử dụng muối và bột canh có chứa iốt để phòng chống bướu cổ, thiểu năng trí tuệ và các rối loạn khác do thiếu iốt.

P.CTXH

4298 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập