Chủ động kiểm soát, phòng tránh và chăm sóc người bệnh sau điều trị Đột quỵ. 

Hiện nay, người bệnh đột quỵ đến bệnh viện trong tình trạng nặng, quá giờ vàng tăng cao, trong trạng thái hôn mê, liệt nửa người, thất ngôn; gây khó khăn trong quá trình điều trị và chăm sóc, để lại di chứng nặng nề khiến người bệnh mất khả năng tự chăm sóc bản thân, trở thành gánh nặng cho người thân và gia đình. Vì vậy, cần hiểu yếu tố nguy cơ, các dấu hiệu để chủ động kiểm soát bệnh.

Theo Bác sỹ Nguyễn Thùy Anh Thư - khoa Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư. Đây là bệnh lý tổn thương một phần cơ quan xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi dưỡng bộ phận đó bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê; nếu trì hoãn việc cấp cứu dễ gây tử vong cao.

Bộ Y tế thống kê: Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc bệnh đột quỵ, trong đó có 1/3 số mắc có độ tuổi từ 40 đến 45.

* Những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ:

Người bệnh có bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, mỡ máu cao, béo phì, lối sống không lành mạnh (thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, lười vận động…), thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi, làm việc quá sức, gia đình có người thân bị đột quỵ…

* Dấu hiệu của đột quỵ não:

Người bệnh đột ngột tê hay yếu của mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể; đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói; đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên; đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác; đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân...

Hiện nay, người bệnh đột quỵ đến bệnh viện trong tình trạng nặng, quá giờ vàng tăng cao, trong trạng thái hôn mê, liệt nửa người, thất ngôn; gây khó khăn trong quá trình điều trị và chăm sóc, để lại di chứng nặng nề khiến người bệnh mất khả năng tự chăm sóc bản thân, trở thành gánh nặng cho người thân và gia đình.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Nếu có các dấu hiệu trên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở điều trị chuyên sâu sớm, để tận dụng được thời gian vàng trong điều trị đột quỵ não, góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân (Thông thường, 3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân bị đột quỵ là "thời gian vàng" để cấp cứu). Khi di chuyển, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng. Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển đến bệnh viện xa, trừ khi có chỉ định của bác sĩ, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn. Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác, không để nằm chờ xem bệnh nhân có khỏe lại không.

Khi nghi ngờ người bệnh bị đột quỵ thì người nhà hoặc những người ở cạnh bệnh nhân cần nhanh chóng để người bệnh không bị ngã gây chấn thương. Đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên nếu bị nôn, móc hết đờm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.

* Chăm sóc người bệnh sau đột quỵ:

Theo CN.Phùng Thị Len - Điều dưỡng trưởng khoa Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Sau khi bị đột quỵ người bệnh có thể gặp một số di chứng, tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe và mức độ bệnh của từng cá nhân. Các di chứng như: các chức năng của cơ thể bị ảnh hưởng, rối loạn giao tiếp, suy giảm trí nhớ và tư duy, thay đổi cảm xúc, thay đổi hành vi. Vì vậy, việc chăm sóc là rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình hồi phục, giảm nguy cơ tái phát đột quỵ và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Đây là một quá trình dài, cần kiên trì và phải có kiến thức cơ bản, đúng cách.

- Tìm hiểu các yếu tố liên quan để giúp người bệnh phục hồi: người bệnh đột quỵ thường có các yếu tố chung quyết định sự phục hồi như vị trí của đột quỵ ở não; mức độ tổn thương não; tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi đột quỵ; khả năng di chuyển của bệnh nhân; hỗ trợ của người chăm sóc.

Tuy nhiên, người bệnh bị đột quỵ có các đặc điểm khác nhau, nên khả năng phục hồi cũng khác nhau, có thể mất một thời gian ngắn hoặc dài hơn. Nhiều bệnh nhân đạt được sự phục hồi đáng kể trong vòng 3-4 tháng sau khi đột quỵ. Nhưng ở người khác, phục hồi có thể kéo dài đến 2 năm sau đột quỵ.

- Người nhà người bệnh nên tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ.

- Áp dụng vật lý trị liệu: Đây là phương pháp bắt buộc đối với đa số trường hợp sau đột quỵ. Khi bệnh nhân đột quỵ có những biểu hiện: khó khăn trong việc di chuyển; thiếu thăng bằng dẫn đến té ngã; không có khả năng tham gia các hoạt động xã hội; không có khả năng đi bộ hơn 6 phút mà không nghỉ, người chăm sóc cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên gia phục hồi chức năng để có những điều chỉnh cần thiết giúp người bệnh thích ứng và hồi phục.

- Khoảng 30-50% bệnh nhân sẽ có dấu hiệu bị trầm cảm tại một số thời điểm trong quá trình phục hồi, có thể gây ảnh hưởng đến sự phục hồi. Nếu phát hiện người bệnh có các dấu hiệu trầm cảm như: cảm thấy tuyệt vọng, mất hứng thú với các sở thích trước đây, có thay đổi trong ăn uống và rối loạn giấc ngủ... cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để điều trị ngay.

* Phòng tránh đột quỵ:

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

- Kiểm soát tốt huyết áp, thường xuyên đo huyết áp, hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình.

- Ăn uống khoa học.

- Thực hiện lối sống lành mạnh: hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia; vận động, nghỉ ngơi hợp lý.

Lan Hương - Hương Giang

 

 

 

580 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập