Bệnh đau mắt đỏ - những điều cần biết 

Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 9, thời tiết chuyển từ nắng nóng sang mưa nhiều.  Bệnh khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch; hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

* Triệu chứng: Bệnh đau mắt đỏ gồm có hai thể chính là viêm kết mạc - họng - hạch và viêm kết giác mạc.

- Người bệnh bị viêm kết mạc - họng - hạch có các triệu chứng như mắt đỏ, họng đau, ho, sờ thấy hạch nổi lên ở trước tai, sau tai hoặc dọc theo cổ. Có thể kèm theo ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em).

- Thể viêm kết giác mạc (chỉ có ở mắt) vừa tấn công vào kết mạc - lòng trắng làm mắt đỏ, vừa tấn công vào giác mạc - lòng đen gây ra viêm giác mạc đốm, dưới biểu mô.

- Cả hai thể này đều lây lan rất mạnh.

- Các triệu chứng thường thấy rõ nhất trong khoảng 3 ngày đầu sau giảm dần sau khoảng 10 ngày; bệnh thường bắt đầu từ một mắt sau đó lây lan sang mắt thứ hai.

*Hậu quả để lại của bệnh

- Đa số lành tính, khỏi hoàn toàn trong vòng 1 đến 2 tuần không để lại di chứng; còn lại một số ít có thể có giả mạc ở kết mạc mi (mắt thường sưng khó mở, có  dịch màu hồng...) đau kéo dài có khi hàng tháng nếu không được bóc giả mạc. Một số có thể có biến chứng Viêm giác mạc chấm khi đó sẽ có ảnh hưởng đến thị lực, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động. Viêm kết mạc trên người bệnh có các bệnh mạn tính khác về mắt như: mắt hột, sẹo giác mạc cũ, tắc lệ đạo...sẽ làm cho bệnh tiến triển nặng thêm.

- Trong trường hợp tự ý điều trị, hoặc điều trị  không đúng  theo chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa có thể dẫn đến các biến chứng trầm trọng có thể gây mù mắt như loét giác mạc, glôcôm….

- Bệnh có thể lây lan thành dịch.

* Nguồn lây bệnh:

- Lây trực tiếp khi tiếp xúc với nước mắt, dử mắt; dùng chung khăn mặt hoặc chậu rửa mặt.

- Lây qua môi trường (nước ô nhiễm, không khí bụi bẩn...), không khí; qua đường nước bọt hoặc đường thở...

- Nhỏ thuốc nhỏ mắt không đúng cách: nhỏ sát vào lông mi, bờ mi làm đầu lọ thuốc nhiễm khuẩn cũng là nguyên nhân làm bệnh lây lan.

*Cách phòng tránh bệnh: để tránh bệnh lây lan thành dịch, cần thực hiện triệt để các biện pháp cụ thể như sau:

- Khi chưa có dịch:

+ Vệ sinh cá nhân phải đảm bảo, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

+ Dùng riêng khăn, chậu rửa mặt; giặt khăn bằng xà phòng , phơi khăn ngoài nắng.

+ Giữ vệ sinh môi trường.

+  Cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, nên đeo kính râm khi ra đường.

- Khi đang có dịch:

+ Rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Rửa mắt bằng nước muối sinh lý (0,9%) ít nhất 3 lần/ngày.

+ Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.

+ Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt. Trong truờng hợp bắt buộc phải tiếp xúc thì nên có khẩu trang; đeo kính râm để mắt bớt bị chói và tránh lây nhiễm cho người khác. Hạn chế đi lại để tránh lây lan cho cộng đồng.

- Các xử trí khi có người bị bệnh hoạch nghi bị bệnh đau mắt đỏ:

+  Lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 3 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.

+ Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.

+ Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.

+ Người bệnh cần lưu ý không nên tự ý dùng thuốc dễ dấn đến trường hợp gây biến chứng. Tốt nhất là ngay khi có các triệu chứng đầu tiên, người bệnh cần tìm đến khám Bác sĩ nhãn khoa.

+ Khi bị bệnh cần chú ý giữ vệ sinh để tránh lây sang mắt kia (rửa tay, dùng khăn giấy mềm lau một lần).Trong thời gian bị đau mắt, người bệnh nên nghỉ ngơi tại nhà, không làm việc bằng mắt nhiều như: đọc sách báo, xem tivi, nên để mắt được thư giãn.

+ Trong vùng có dịch (hoặc có nhiều người mắc bệnh) nên hạn chế các hoạt động tập trung đông người; không nên đến các bể bơi công cộng.

+ Đối với trẻ em: khi bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh.

+ Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị 1 bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn).

+ Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

+ Không tự ý  đắp, xông mắt các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu... vì có thể gây bỏng mắt, trợt giác mạc

+ Khi có dấu hiệu đau mắt đỏ phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

* Chế độ ăn uống đối với người bị đau mắt đỏ:

 

- Không nên ăn các chất tanh của hải sản như: cá, mực, tôm, cua….vì những thực phẩm này sẽ làm cho tình trạng đau mắt đỏ ngày càng nghiêm trọng hơn.

-  Kiêng các gia vị cay, nóng, các loại thực phẩm như tỏi, ớt, hành, hẹ…. sẽ gây cảm giác rát, cay nóng cho mắt dẫn đến tình trạng làm mắt đỏ hơn.

- Kiêng các gia vị cay nóng như tỏi, ớt, hành, hẹ…

- Không nên uống rượu bia vì đây là các chất kích thích có thể làm giảm tầm nhìn, giảm khả nặng nhận biết nhạy bén của mắt xuống một cách đáng kể và khiến cho bệnh càng nặng hơn.

- Để bệnh có thể nhanh khỏi, người bệnh cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, bổ sung trong thực đơn các loại hoa quả chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, các vitamin A, B12, C, D…có trong rau bina, rau cải, cà rốt, khoai tây, khoai lang… rất tốt cho những người đau mắt đỏ bởi chúng rất giàu các tiền tố benta-carotene sẽ chuyển hóa thành vitamin A giúp mắt sáng, khỏe mạnh.

11176 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập